Các loại topping trà sữa trở thành trợ thủ đắc lực cho dòng thức uống thơm vị trà đậm vị sữa đang ngày ngày chinh phục giới trẻ. Tuy không phải là thành phần chính nhưng với hương vị hấp dẫn, liên tục đổi mới, topping đã mang đến cho khách hàng yêu thích món trà sữa cảm giác “uống mãi không chán”.
Trà sữa có topping vừa bắt mắt vừa thêm phần ngon miệng
Thành công của trà sữa được tạo nên từ nhiều yếu tố như công thức hoàn chỉnh, kỹ thuật pha chế chuyên nghiệp và đặc biệt là hàng loạt loại topping hấp dẫn. Hiểu được topping là yếu tố vừa giúp làm mới trà sữa vừa tăng doanh thu đáng kể, nhiều người bắt đầu tìm hiểu một cách bài bản về thành phần “thần thánh” này. Hãy cùng Dạy Pha Chế Á Âu khám phá topping là gì và các loại topping trà sữa này ngay nhé!
Topping là gì?
Topping được hiểu chung là phần bên trên của một bề mặt nào đó. Phát triển từ ý nghĩa này, những loại thạch, trân châu… được thêm vào bên trên ly trà sữa được gọi là topping. Phần topping nhiều màu sắc cùng hình ảnh ly trà sữa ngập topping khiến nhiều bạn trẻ khó chối từ.
Topping trà sữa đa dạng hương vị, hình dáng, màu sắc
Nhiều người không ngờ rằng topping trong trà sữa xuất hiện lần đầu tiên vào những năm 80 của thế kỷ trước. Văn hóa thưởng trà của người châu Á đón nhận một sự thay đổi lớn khi trong ly trà xuất hiện nhiều viên bột. Những viên bột này được ví như hạt minh châu, nấu từ bột khoai, dai dai, giòn giòn. Chính sự mới lạ này là tiền đề cho hàng loạt loại trân châu về sau. Ngày nay, topping không chỉ có trân châu mà còn có nhiều biến tấu khác nhau. Trà sữa ngon – nhiều topping đã trở thành “bộ đôi” không thể tách rời.
Các loại topping trà sữa quen thuộc
Trân châu đen, trân châu trắng, pudding, flan, thạch củ năng, thạch phô mai, thạch bắp… là nhóm topping xuất hiện từ lâu nhưng vẫn giữ được sự yêu thích từ khách hàng. 3 nhóm phổ biến nhất và vẫn chưa bị “soán ngôi” có thể kể đến trân châu, các loại thạch và pudding.
Trân châu
Trân châu đã ra đời từ lâu và trở thành topping trà sữa được yêu thích ở nhiều nước trên thế giới. Viên trân châu đen được so sánh với bọt bong bóng nên trà sữa trân châu còn có tên gọi tiếng Anh là “bubble milk tea”. Từ nền tảng nguyên liệu và cách làm trân châu truyền thống, nhiều người đã sáng tạo công thức trân châu trắng giòn, trân châu trắng dẻo, trân châu hoàng kim, trân châu sợi hay những viên trân châu có nhân khoai môn, bắp, cơm dừa… Trong đó, phổ biến nhất vẫn là trân châu đen.
Trân châu đen ra đời từ sớm và vẫn luôn được yêu thích
Thạch rau câu
Thạch trà sữa được làm từ bột rau câu agar hoặc gelatin. Những khối thạch giòn giòn, nhai sần sật khiến nhiều bạn trẻ thích thú. Cách nấu thạch trà sữa ngon quan trọng ở bước nấu sao cho vừa đủ lượng nước, không để bột bị vón cục.
Thạch phô mai
Bạn có thể nấu một lần thạch rau câu sau đó chia ra nhiều khuôn nhỏ, bên trong khuôn đã chuẩn bị phô mai, hoặc trái cây để làm thạch trái cây, thạch phô mai, thạch nho khô.
Hoặc làm thạch phô mai tươi béo thơm. Cách làm thạch phô mai như sau: bạn áo phô mai với bột năng, luộc chín là được. Nếu muốn lớp bột năng dày, bạn hãy lần lượt áo phô mai với bột năng, luộc chín rồi tiếp tục áo với lớp bột khác, lặp lại khoảng 3, 4 lần nhé!
Video hướng dẫn làm thạch phô mai
Thạch củ năng
Bên cạnh thạch rau câu, bạn có thể học cách làm topping trà sữa khác như: thạch củ năng, thạch bắp, thạch khoai môn, thạch cơm dừa… Cách làm thạch củ năng hay các loại thạch khác tương tự nhau. Bạn chỉ cần cắt hạt lựu củ năng, tách hạt bắp, cắt khối vuông nhỏ khoai môn và cơm dừa rồi áo qua 1 hoặc nhiều lớp bột năng tùy vào sở thích rồi luộc chín. Sau đó, ngâm vào nước đường là có ngay một loại thạch trà sữa ngon khó cưỡng. Trong các thạch, thạch củ năng giòn giòn sần sật khiến không ít tín đồ trà sữa mê mệt.
Tạo nhiều hình dáng thạch khác nhau theo từng loại khuôn
Bánh flan
Bánh flan béo thơm đã trở thành topping trà sữa yêu thích của nhiều bạn trẻ. Cách làm bánh flan đơn giản nên bạn có thể chuẩn bị tại nhà để tăng thêm hương vị cho tách trà sữa. Cách làm topping trà sữa này như sau: bạn tách lấy lòng đỏ trứng gà, đánh tan thì thêm sữa tươi vào, khuấy cho nguyên liệu quyện đều. Cho đường vào chảo đun đến khi chuyển sang màu cánh gián thì rót vào khuôn làm bánh. Sau đó, bạn rót hỗn hợp trứng sữa vào khuôn, hấp chín trong 45 phút là hoàn thành.
Pudding
Pudding có cấu tạo tương tự như bánh flan nhưng mềm, mịn và tan ngay trên đầu lưỡi. Có nhiều loại pudding khác nhau như pudding trứng, pudding phô mai, pudding chocolate, puddinh trà xanh…
Khúc bạch
Một dạng topping khác gần tương tự pudding cũng rất được yêu thích đó là khúc bạch. Khúc bạch tuy có giá thành hơi nhỉnh hơn nhưng vẫn rất được yêu thích nhờ hương vị thơm ngon, kết hợp được với nhiều loại trà sữa.
Các loại topping trà sữa mới nhất
Menu các loại topping trà sữa ngày càng đa dạng với nhiều loại mới xuất hiện. Từ cách làm topping trà sữa cơ bản, chúng được biến tấu theo nhiều hình thức khác nhau, một số thương hiệu lớn còn xóa nhòa biên giới, mang trân châu, thạch nổi tiếng từ các “đế quốc trà sữa” về Việt Nam.
Trân châu đường đen
Bộ đôi sữa tươi và trân châu đường đen đã tạo nên một cơn sốt không nhỏ trong giới trẻ. Những viên trân châu được ngâm trong đường đen sóng sánh, ngọt lịm và thoảng hương thơm đặc trưng, nhanh chóng làm tan chảy tim của những tín đồ trà sữa, hảo ngọt.
Trân châu đường đen đã và đang là loại topping được nhiều người yêu thích
Trân châu Okinawa
Cùng họ hàng với trân châu đường đen, trân châu được ngâm trong phần đường nâu đến từ vùng Okinawa miền Nam Nhật Bản. Loại đường này có vị ngọt thanh, mùi thơm nhẹ nên khi kết hợp với trà hoặc trà sữa sẽ tạo cảm giác hài hòa dễ uống. Phiên bản topping trân châu Okinawa thích hợp với những khách hàng thích uống trà sữa không quá đậm vị.
Hạt Sen Tươi
Trà sữa sen kết hợp topping hạt sen tươi là lựa chọn hàng đầu cho những tín đồ yêu thích vị thanh mát tự nhiên. Hạt sen bùi, ngọt thanh vừa giúp món trà sữa không ngán vừa mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Cách làm topping hạt sen tươi không quá cầu kì, bạn có thể làm mỗi ngày để bổ sung vào danh sách topping “best- seller” của quán.
Topping hạt sen tươi mang đến vị thanh mát cho ly trà sữa
Thạch Aiyu
Trong danh sách tổng hợp các topping trà sữa, thạch Aiyu có nguồn gốc từ Đài Loan. Aiyu khi dịch ra tiếng Việt có nghĩa là bông cỏ, chính vì thế, nhiều người còn gọi loại topping này với cái tên dễ thương là thạch bông cỏ. Thạch Aiyu có mùi thơm nhẹ nhàng của thảo mộc, dễ kết hợp, dễ ăn. Ngoài dùng chung với trà sữa, thạch Aiyu này còn có thể kết hợp với trà trái cây, nước ép, nước chanh…
Trái cây tươi
Trà sữa thơm béo xen lẫn vị chua ngọt tự nhiên của trái cây giúp khách hàng thưởng thức mãi không ngán. Trái cây tươi có thể được cắt hạt lựu hoặc múc thành từng viên tròn thêm vào đều được. Từ nguyên liệu trái cây tươi, bạn cũng có thể học hỏi cách làm thạch bi trái cây để tăng tính đa dạng cho menu topping trà sữa của quán.
Những viên thạch trái cây tươi là món topping khoái khẩu của các bạn nữ (Ảnh: Internet)
Kinh doanh kết hợp trà sữa và topping
Topping là thành phần giúp tăng doanh thu đáng kể cho một ly trà sữa. Với menu trà sữa có topping, khách hàng thường gọi thêm để đáp ứng nhu cầu thưởng thức. Hiểu được tâm lý này, nhiều nơi đã tăng cả số lượng lẫn chất lượng topping.
Nhiều khách hàng không ngần ngại gọi ngay một phần trà sữa full topping bởi thật khó có thể từ chối sự hấp dẫn của những viên trân châu bóng bẩy, những viên thạch, pudding mềm mịn…
Tự làm hay mua topping trà sữa làm sẵn?
Bạn hoàn toàn có thể tự học cách làm topping trà sữa tại nhà. Song, nếu kinh doanh số lượng lớn bạn nên chọn mua topping được làm sẵn từ các thương hiệu có uy tín. Topping làm sẵn vừa tiết kiệm thời gian vừa đảm bảo dễ kiểm soát chi phí. Hơn nữa, với số lượng lớn các loại trân châu, thạch, hạt thủy tinh… cửa hàng hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu uống trà sữa thêm topping hoặc tạo các combo trà sữa siêu topping ấn tượng.
Thạch là loại topping trà sữa có thể làm tại nhà
Topping trà sữa mua ở đâu?
Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp trà sữa kéo theo hàng loạt các thương hiệu cung cấp topping, nguyên liệu, dụng cụ ra đời. Điều này đặt ra thách thức cho các chủ quán trà sữa trong vấn đề mua topping ở đâu vừa đảm bảo chất lượng vừa tối ưu chi phí nguyên liệu.
Nếu có nhu cầu, bạn có thể đến các siêu thị bán nguyên vật liệu uy tín, đảm bảo chất lượng để mua topping trà sữa. Nhiều siêu thị thường có chính sách giao hàng, ưu đãi, chiết khấu… phù hợp cho người kinh doanh.
Bạn có thể ham khảo một số loại topping trà sữa hay nguyên liệu làm topping trà sữa tại DVP Market.
Trân châu đen làm sẵn dễ dàng tìm mua ở các cửa hàng, siêu thị
Giá bán topping trà sữa
Bạn có thể mua nguyên liệu tự làm topping tại nhà hoặc mua topping thành phẩm ngon, chất lượng ở các siêu thị, chợ nguyên liệu trà sữa. Phô mai, bột rau câu, đường đen… có giá dao động từ 10.000 đồng – 200.000 đồng.
Giá bán thạch trái cây trà sữa, trân châu đen, trân châu trắng, trân châu caramel… là khoảng từ 50.000 đồng đến 170.000 đồng. Giá tiền có thể thay đổi phụ thuộc vào thương hiệu và số lượng bạn cần mua. Bạn nên tìm mua ở những địa chỉ uy tín để vừa đảm bảo giá rẻ nhất so với nhiều nơi khác vừa giữ được chất lượng.
Bảng giá tham khảo một số loại topping và nguyên liệu tại DVP Market:
Mặt hàng | Giá bán |
Trân châu đen 2kg | 55.000đ |
Trân châu caramel 2kg | 165.000đ |
Trân châu trắng 2kg | 160.000đ |
Các loại bột rau câu giòn/dẻo | Từ 10.000d – 20.000đ/gói |
Bột năng 400gram | 15.000đ |
Khuôn silicon làm thạch | 32.000 – 60.000đ |
Bảo quản topping trà sữa
Cách bảo quản topping tự làm
Pudding, thạch, sau khi làm xong có thể cho vào ngăn mát tủ lạnh bảo quản trong 2 – 3 ngày. Chú ý dùng nắp hoặc màng bọc thực phẩm đậy kín trước khi cho vào để không bị ám mùi của các loại thực phẩm khác.
Nhiều người thắc mắc, bảo quản trong tủ lạnh, trân châu bị cứng thì phải làm sao. Cách bảo quản trân châu đã luộc phổ biến là ngâm trân châu vào mật ong và nước đường sẽ giúp trân châu để qua đêm không bị cứng. Đường và mật ong vừa giúp bảo quản trân châu được lâu vừa có vị ngon đặc biệt.
Trân châu ngâm trong nước đường để bảo quản
Cách bảo quản hạt trân châu sống
Cách bảo quản trân châu chưa luộc, đóng gói sẵn khá đơn giản, sau khi mua về, bạn giữ túi nguyên vẹn, để ở nơi khô ráo, tránh xa các nguồn nhiệt và ánh nắng trực tiếp từ mặt trời. Trân châu làm sẵn sau khi luộc được bảo quản tương tự trân châu tự làm.
Trân châu trắng, hạt thủy tinh… giữ nguyên trong túi rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh. Với những loại đang dùng dở dang, bạn vẫn đậy kín, bảo quản trong ngăn mát, mỗi khi sử dụng nên dùng 1 chiếc muỗng riêng, sạch để múc, tránh dùng 1 chiếc muỗng múc chung nhiều nguyên liệu.
Cách làm topping trà sữa cơ bản
Cách làm hạt trân châu không bị cứng
Để tiết kiệm thời gian, chi phí, tránh việc mua nhiều nguyên liệu nhưng không làm ra thành phẩm như ý, bạn nên mua trân châu làm sẵn và luộc theo hướng dẫn bên dưới.
Luộc trân châu đen
Cách luộc trân châu không bị cứng như sau
Khi nước trong nồi sôi thì cho trân châu vào, để nước sôi bùng lên thì đậy nắp, tiếp tục nấu sôi trên lửa vừa trong 30 phút rồi tắt bếp.
Ủ trân châu thêm 30 phút là cách làm hạt trân châu không bị cứng. Tiếp theo, trân châu vớt ra xả qua nước lạnh để tạo độ giòn rồi ngâm trong nước đường để tạo độ bóng và ngọt thơm. Với cách làm luộc trân châu trên, bạn sẽ có ngay phần trân châu không bị nhão lại dẻo, giòn, thơm, ngọt thanh hấp dẫn.
Trân châu đen có độ bóng đẹp mắt
Cách làm topping thạch củ năng giòn sần sật
Nguyên liệu:
- Củ năng tươi (nếu không có củ năng bạn có thể thay thế bằng củ sắn cũng rất ngon)
- Bột năng
Cách làm thạch củ năng:
- Củ năng gọt vỏ, cắt thành hình hạt lựu. Nếu muốn thạch củ năng có màu thì ngâm củ năng trước với hỗn hợp nước lá dứa, nước hoa đậu biếc hay syrup atiso đỏ trong 30 phút sau đó vớt ra.
- Rắc bột năng lên củ năng cho đều rồi cho vào nồi nước sôi luộc đến khi củ năng nổi lên thì vớt ra ngay.
- Áo thêm bột năng và mang đi luộc thêm lần 2, tương tự lần 1. Có thể lặp lại thao tác này thêm một lần tùy vào sở thích của bạn có muốn lớp bột dày hơn hay không.
- Ngâm thạch củ năng vừa luộc xong vào nước đường rồi sử dụng cho món trà sữa của bạn.
Thạch củ năng lá dứa và hoa đậu biếc
Trà sữa vẫn giữ được vị trí hàng đầu sau nhiều năm ra mắt có lẽ một phần nhờ vào topping. Mỗi lần kết hợp topping với một hương vị trà sữa thì sẽ được thêm món mới phục vụ khách hàng. Chính vì thế, học hỏi và tích lũy được nhiều cách làm topping trà sữa ngon là chìa khóa giúp bạn duy trì được hoạt động kinh doanh, chinh phục nhiều đối tượng khách hàng.
Hiểu về nguyên liệu thức uống là cách người pha chế sáng tạo thức uống không chỉ thơm ngon mà còn mới lạ, độc đáo, hấp dẫn người thưởng thức. Nếu bạn là người vừa bắt đầu học pha chế, bài viết nguyên liệu pha chế trà sữa sẽ giúp bạn hiểu hơn về nguyên liệu quan trọng này.
Khóa dạy pha chế trà sữa tại Dạy pha chế Á Âu sẽ cung cấp thêm cho các bạn nhiều công thức làm topping cũng như pha chế trà sữa. Hãy đăng ký khóa học pha chế trà sữa cùng chuyên gia ngay hôm nay nhé!
Tiếp theo, mời bạn tham khảo bài viết cách làm trà sữa thạch bi tại website của chúng tôi ngay nhé.
Ý kiến của bạn