Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại máy ép trái cây với đa dạng kiểu dáng, màu sắc, chức năng, giá thành… khác nhau. Chắc hẳn rằng bạn sẽ băn khoăn và không biết nên chọn máy ép trái cây loại nào tốt. Hãy cùng Dạy Pha Chế Á Âu tham khảo những thông tin dưới đây để hiểu rõ về máy ép trái cây hơn nhé.
Máy ép trái cây là dụng cụ không thể thiếu trong pha chế đồ uống
Máy ép trái cây là gì?
Theo tiếng Anh máy ép trái cây có nghĩa là “juicer”. Cách thức hoạt động máy ép trái cây rất đơn giản, máy sẽ tự động thực hiện quá trình lấy nước. Nghĩa là bạn sẽ cho trái cây, hoa quả vào máy ép và trái cây được đẩy xuống bên dưới để ép lấy nước. Một số máy ép trái cây cầm tay cần công đoạn là dùng ống đẩy để ép trái cây xuống.
Ưu điểm của máy ép trái cây là có thể ép được nhiều loại trái cây khác nhau, kể cả các loại củ quả cứng, có hạt… Sau khi ép lấy nước, phần xơ được tách riêng và bạn có thể tận dụng để nấu ăn, đắp mặt nạ…
Các loại máy ép trái cây phổ biến
Hiện nay trên thị trường có nhiều dòng máy ép trái cây khác nhau như máy ép bằng tay mini, máy ép công nghiệp, máy ép trái cây tốc độ cao/chậm… Tùy theo nhu cầu mà bạn lựa chọn dòng máy phù hợp. Dưới đây là ưu/nhược điểm của các dòng máy ép trái cây phổ biến trên thị trường giúp bạn có lựa chọn phù hợp.
- Máy ép trái cây tốc độ thấp
- Máy ép trái cây ly tâm
- Máy ép trái cây chậm
Máy ép trái cây ly tâm
Là loại máy ép trái cây được cấu tạo bởi các bộ phận gồm mô tơ, mâm xay dạng tròn gồm nhiều lưỡi dao và lưới lọc, nắp máy, khây đựng bã xơ, đầu ra nước ép và ống tiếp nguyên liệu. Cách thức hoạt động của máy ép ly tâm là cho trái cây/hoa quả vào ống tiếp nguyên liệu, sau đó với lực xoay lên đến 2.400 vòng/phút thì tất cả nguyên liệu sẽ được mài nhỏ và nước ép sẽ được tách ra khỏi bã.
- Ưu điểm: Giá thành thấp, phù hợp với đa dạng đối tượng và nhu cầu. Máy có khả năng ép được nhiều loại rau củ. Cách sử dụng đơn giản.
- Nhược điểm: Phát ra tiếng ồn lớn, dễ hư hỏng nếu không sử dụng liên tục. Chất lượng nước ép làm ra dễ bị tách lớp.
Kiểu dáng máy ép trái cây ly tâm (Ảnh: Internet)
Máy ép trái cây tốc độ thấp
Máy ép trái cây tốc độ thấp có thêm trục cán giúp nghiền nát nguyên liệu thành bã nhanh chóng. Sau đó, phần bã sẽ được màng lọc ép thêm một lần nữa để chiết xuất triệt để phần nước bên trong của hoa quả, trái cây. Do đó, nước ép sẽ ít cặn và bã còn sót lại.
- Ưu điểm: Lượng nước ép lấy được nhiều hơn máy ép ly tâm. Hạn chế tình trạng nước ép bị tách nước và có thể ép được đa dạng nguyên liệu, kể cả kích thước lớn hay có vỏ cứng.
- Nhược điểm: Giá thành cao.
Máy ép tốc độ chậm (hay tốc độ cực thấp)
Máy ép tốc độ chậm được cấu tạo từ 2 bộ phần là động cơ giảm tốc và trục vít đặc biệt. Với tốc độ xoay khoảng 40 – 90 vòng/phút. Mặc dù tốc độ xoay chậm nhưng máy ép hoạt động dựa trên nguyên lý của trục vít cưỡng bức LSTS nên nguyên liệu khi được đưa vào sẽ từ từ nghiền nát, đẩy vào bộ phận lưới lọc tự nhiên nhất.
Hình ảnh máy ép trái cây tốc độ chậm (Ảnh: Internet)
- Ưu điểm: Máy chạy êm và không phát ra tiếng ồn lớn. Máy có thể hoạt động liên tục trong thời gian dài. Nước ép có màu sắc, hương vị đẹp và các chất dinh dưỡng được giữ lại.
- Nhược điểm: Giá thành cao, một số máy khó vệ sinh.
Chọn mua máy ép trái cây nào tốt?
Để chọn máy ép phù hợp thì bạn nên cân nhắc với nhiều yếu tố như nhu cầu sử dụng, giá thành sản phẩm… Hiện nay, trên thị trường vô cùng đa dạng giá cả và sản phẩm. Một số loại máy ép trái cây chỉ vài trăm ngàn, nhưng có những loại có giá bán lên đến 20 triệu đồng.
Mẹo sử dụng máy ép trái cây đúng cách
Một số loại máy ép trái cây có thể ép tốt các loại củ quả, rau xanh, thậm chí các loại hạt. Thế nhưng, mỗi loại máy xay có lưỡi xay và công năng khác nhau, nên chế độ nghiền cũng khác. Cho nên để máy ép trái cây hoạt động tốt thì bạn nên lưu ý những điều sau:
- Các loại trái cây cứng như mía, củ khoai lang… không nên cho vào máy ép trái cây. Các loại trái cây có hạt bạn nên bỏ hết hạt trước khi ép như xoài, cóc… Vì một số hạt quá to, cứng sẽ không thể ép được và gây ra tắc nghẽn, hư lưỡi xay.
Cắt nhỏ nguyên liệu trước khi cho vào máy ép trái cây
Ví dụ: Nho, thanh long, ổi, dưa hấu… có hạt nhỏ thì bạn nên ép xen kẽ với trái cây không hạt hoặc rau để bã ra cùng chứ không ép liên tục.
- Các loại trái có vỏ ép được như dưa leo, cà rốt, ổi, táo, lê… thì bạn nên giữ lại để giữ được nhiều dinh dưỡng cho nước ép. Hơn nữa, vỏ những loại quả này dễ nghiền nên sẽ không ảnh hưởng đến tốc độ xay. Thế nhưng, những quả như bưởi, cam, quýt, dứa, chanh… thì nên bỏ vỏ và hạt đi. Vì những quả này vỏ có tinh dầu dễ làm cho nước ép bị đắng.
- Trước khi ép trái cây thì bạn nên cắt nhỏ nguyên liệu thành từng khúc hoặc miếng có kích thước phù hợp với cối. Điều này sẽ giúp cho máy ép trái cây dễ dàng hoạt động và nước ép sẽ hạn chế tình trạng còn sót phần xơ.
- Hạn chế dồn trái cây và ép liên tục để lưỡi xay không bị tắc và có thể nghiền nát được tất cả nguyên liệu.
Nguyên tắc khi ép trái cây: mềm trước, cứng sau, ít xơ trước, nhiều xơ sau
Các bước vệ sinh máy ép trái cây
- Cho nước vào ống tiếp nguyên liệu để tráng sơ máy, loại bỏ bã còn sót lại.
- Tháo máy, tháo rời từng bộ phận.
- Chỉ rửa những phần không có động cơ hay máy móc như hộp đựng bã, ống tiếp nguyên liệu…
- Tráng sơ với nước và dùng cọ rửa có lông mềm để chà rửa.
- Sau khi rửa nên lau khô, để ráo nước.
- Dùng khăn lau ở các bộ phận có động cơ hoạt động. Bạn nhớ tắt nguồn điện khi vệ sinh máy ép trái cây.
Trước khi sử dụng máy ép trái cây thì bạn nên đọc kỹ phần hướng dẫn sử dụng, cách vệ sinh máy… để giữ được độ bền của máy lâu hơn.
Các dòng máy ép trái cây chậm đang được ưa chuộng bởi tính năng của chúng. Nước ép trái cây sau khi thực hiện sẽ màu đẹp, không bị tách lớp và giữ được chất dinh dưỡng của nguyên liệu. Ngoài ra, nếu bạn muốn sử dụng hằng ngày trong gia đình thì có thể lựa chọn máy ép trái cây cầm tay.
Có thể bạn quan tâm: 5 Loại Máy Làm Kem Thông Dụng
Ý kiến của bạn