Hạt Trân Châu: Topping “Quốc Dân” Và Khả Năng Kết Hợp Với Mọi Loại Đồ Uống

Bộ đôi trà sữa – trân châu xuất hiện cách đây hơn 2 thập kỷ và đang thực hiện cuộc “xâm lăng” mạnh mẽ vào bản đồ thức uống trên toàn thế giới. Nếu trà sữa trở thành đồ uống yêu thích của người người nhà nhà thì hạt trân châu cũng nhanh chóng trở thành loại topping “quốc dân”, có thể dễ dàng kết hợp với bất kỳ món ăn, bánh ngọt và đồ uống nào.

những hạt trân châu

Trân châu được xem là topping “quốc dân”

Trân châu gắn liền với trà sữa nhưng bạn có biết tiền thân của hạt trân châu thực tế còn ra đời sớm hơn cả trà sữa, nhưng phải đến thời điểm hạt trân châu kết hợp uống cùng trà sữa thì chúng mới nổi tiếng và được thế giới biết đến. Vậy nguồn gốc của hạt trân châu là ở đâu? Điều gì khiến chúng trở thành loại topping được biến tấu với hàng trăm món ngon khác nhau?

Hạt Trân Châu Là Gì?

Hạt trân châu là loại topping “cổ điển” nhất của trà sữa. Hạt trân châu ra đời sớm nhất có màu đen, độ dẻo dai và vị ngọt thanh tự nhiên rất dễ gây nghiện. Khi trân châu trở nên phổ biến, người ta đã sáng tạo ra đa dạng các loại trân châu như: trân châu trắng, trân châu sợi, trân châu hoàng kim, trân châu chứa nhân bên trong như trân châu dừa, trân châu bắp, trân châu khoai môn…

những hạt trân châu dẻo

Những hạt trân châu dẻo dai được làm từ bột năng

Màu sắc của trân châu thay đổi do thành phần nguyên liệu. Nguyên liệu chính để làm topping hạt trân châu là bột năng. Trân châu đen và nâu thường được bổ sung thêm bột ca cao, ngâm với nước đường đen hoặc caramel để tăng hương vị và màu sắc. Trân châu trắng làm từ bột năng nguyên chất hoặc có thể làm từ bột rau câu dẻo với độ giòn dai khác biệt.

Bánh “Fen Yuan” Đài Loan – “Tổ Tiên” Của Hạt Trân Châu

Tiền thân của hạt trân châu là một loại bánh có tên gọi là “Fen Yuan”. Đây là một loại bánh bột lọc truyền thống của Đài Loan được làm từ khoai lang ngọt. Chính vì sự dẻo dai của loại bánh này đã quyện với hương vị trà sữa tạo nên vị ngon và sự thú vị khi thưởng thức khiến người uống thích thú.

Sau khi kết hợp thành công cùng trà sữa, bánh “fen yuan” được cải tiến để phù hợp hơn với đồ uống. Người ta thêm bột ca cao, caramel để hạt trân châu có màu đen hút mắt, hạt trân châu tạo hình tròn viên nhỏ để thuận tiện thưởng thức. Khi uống trà sữa trân châu, người ta sẽ dùng ống hút kích thước lớn để hút những viên trân châu vào miệng. Đây cũng được xem như một nét độc đáo khi thưởng thức trà sữa trân châu.

fen yuan

Hạt trân châu là phiên bản cải tiến của bánh “Fen Yuan”

Kỳ Công Và Khéo Léo Quá Trình Làm Trân Châu Dẻo Dai

Quy trình làm ra những hạt trân châu dẻo dai đòi hỏi người thực hiện phải khéo léo. Bột năng nguyên chất sẽ được nhào với nước sôi theo tỷ lệ, bột không bị khô cũng không quá nhão là đạt chuẩn. Tùy vào loại trân châu mà người ta thêm các thành phần nguyên liệu khác. Bột sau khi nhào phải có thời gian nghỉ để nở đều, giúp hạt trân châu thành phẩm không bị chai.

Quá trình tạo hình hạt trân châu có thể thực hiện thủ công hoặc bằng máy sao từng hạt tròn đều, không quá to cũng không quá nhỏ. Bột sau khi viên tròn sẽ được “bao bọc” bằng một lớp bột năng khô nhằm ngăn các hạt trân châu dính vào nhau trong quá trình luộc chín.

Kỹ thuật luộc trân châu rất quan trọng, quyết định đến 70% hương vị trân châu. Trân châu phải luộc trong nước sôi, suốt thời gian làm chín phải đậy nắp nồi nhằm cung cấp hơi nóng làm nở bung kết cấu bột. Sau khi tắt bếp, trân châu phải tiếp tục được ủ trong nước nóng một khoảng thời gian tương đương thời gian luộc.

kỹ thuật luộc trân châu

Kỹ thuật luộc trân châu quyết định đến chất lượng thành phẩm (Ảnh: Internet)

Trân châu chín sẽ “tắm” qua nước đá lạnh nhằm giúp trân châu không bị nhão, tạo độ giòn dai ngon miệng rồi ngâm với mật ong, hoặc nước đường cát, nước đường đen, caramel… Từ đó, trân châu khoác lên mình lớp áo màu sắc, vị ngọt thanh cuốn hút vì giác, sẵn sàng để kết hợp cùng trà sữa. Những bước làm trân châu này thiếu một bước cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thành phẩm.

Hành Trình Trân Châu Và Trà Sữa Tìm Thấy Nhau

Mặc dù ra đời sớm hơn trà sữa nhưng phải vài năm sau khi trà sữa được sáng tạo, trân châu và trà sữa mới tìm thấy nhau. Trà sữa và trân châu đến với nhau một cách bất ngờ nhưng cũng như “định mệnh” định sẵn chúng sẽ thuộc về nhau. Có người từng nói vui rằng: “trà sữa mà không có trân châu thì như… đám cưới mà không có cô dâu.”

trà sữa phải có trân châu

Có người từng nói vui rằng: “trà sữa mà không có trân châu thì như… đám cưới mà không có cô dâu.”

Để tạo ra bước đột phá cho trà sữa, năm 1988, Lâm Tú Huệ, quản lý chuyên về phát triển sản phẩm của Chun Shui Tang – được xem là nơi ra đời tách trà sữa đầu tiên đã thử thêm bánh “fen yuan” vào trà sữa và bất ngờ khi hương vị của chúng hòa quyện và ngon miệng. Cô Lâm Tú Huệ chia sẻ: “trà sữa trân châu ra đời đã nhanh chóng bán chạy hơn tất cả các loại trà khác trong vài tháng kế tiếp. Thậm chí, sau 20 năm, nó vẫn chiếm từ 80% – 90% doanh thu của cửa hàng và trở thành niềm tự hào của người Đài Loan.”

Thứ hạt đen đen, dai dai đi kèm trà sữa được đặt tên là “trân châu đen”, tên tiếng anh là Black Pearl. Tên gọi “trân châu đen” đã khiến khách hàng tò mò và muốn thưởng thức đồ uống hơn và nó cũng là đại diện cho sự kết hợp văn hóa trà sữa trân châu. Ngoài ra, trân châu còn được biết đến với tên gọi “boba”, “tapioca ball”.

trân châu tạo bước đột phá cho trà sữa

Trân châu tạo bước đột phá cho trà sữa

Hạt Trân Châu Vươn Mình Ra Khỏi Thế Giới Đồ Uống

Từ Thành Phần Đột Phá Của Thức Uống…

Tại Việt Nam, mãi đến năm 2014, trà sữa trân châu mới thật sự bùng nổ. Sau đó là sự ra đời lần lượt hàng chục loại topping trà sữa khiến các tín đồ mê tít như: thạch rau câu phô mai, bánh flan, bánh pudding, thạch sương sáo, thạch củ năng, thạch bắp, nha đam, khoai môn… Lúc ấy, người ta tưởng rằng “thời hoàng kim” của trân châu đã chấm dứt.

topping trà sữa khác

Cùng với trân châu, hàng loạt topping khác cũng ra đời

Tuy nhiên, cú “lội ngược dòng” đầy bất ngờ của hạt trân châu đã khiến nhiều phải ngạc nhiên. Những phiên bản cải tiến của trân châu ra đời như: trân châu hoàng kim, trân châu trắng, trân châu đường đen, thậm chí là trân châu rainbow với bảy sắc cầu vồng hấp dẫn. Điểm ấn tượng của những loại trân châu này là được làm từ nguyên liệu tự nhiên, không chỉ thơm ngon và còn đảm bảo sức khỏe. Từ đây, hạt trân châu đi trên con đường mà chưa loại topping nào có thể sánh được.

trân châu màu sắc độc đáo

Phiên bản trân châu sắc màu độc đáo

Khi thị trường đồ uống còn xôn xao vì sự ra đời của các loại trân châu thì tiếp tục bùng nổ bởi những cách kết hợp trân châu với đa dạng các đồ uống khác. Ngôi sao sáng trong làn thức uống lúc ấy là sữa tươi trân châu đường đen. Thức uống này đã tạo nên một làn sóng thưởng thức đồ uống kiểu mới. Trên đà đó, trân châu tiếp tục xâm chiếm thế giới đồ uống với các món độc đáo như: bia trân châu, hồng trà trân châu, nước mía trân châu, sữa chua trân châu cốt dừa, cà phê cốt dừa trân châu…

món sữa tươi trân châu đường đen

Sữa tươi trân châu đường đen được xem là ngôi sao mở đường cho cách thưởng thức khác của trân châu

…Đến Mở Đầu Trào Lưu Ẩm Thực Mới Mẻ

Không dừng lại ở việc kết hợp cùng đồ uống, hạt trân châu tiếp tục “xâm lăng” vào thế giới ẩm thực. Độ “hot” của trân châu tiếp tục tăng lên khi chúng không chỉ được sử dụng để uống mà còn sử dụng để ăn. Và đương nhiên, nơi khởi đầu trào lưu chế biến món ăn từ trân châu chính là “thiên đường trà sữa” Đài Loan.

đồ ăn kết hợp trân châu

Những phiên bản đồ ăn kết hợp hạt trân châu hấp dẫn (Ảnh: Internet)

Bánh trà sữa trân châu là phiên bản đầu tiền mở đầu cuộc xâm lăng của trân châu vào thế giới ẩm thực. Tiếp sau đó là hàng loại những cái tên độc đáo ra đời như: bánh flan trân châu, bánh bao trân châu, kem trà sữa trân châu, chè trân châu, bánh su kem trân châu, pizza trân châu, kẹo trân châu, bingsu trân châu, sandwich trân châu đen… Ban đầu, chẳng ai nghĩ hạt trân châu có thể thành nguyên liệu của các món ăn nhưng đến khi kết hợp rồi mới phát hiện cái dẻo, cái dai, cái ngọt thanh của trân châu lại phù hợp đến không ngờ.

Trong tương lai, hạt trân châu được dự đoán sẽ tiếp tục “phủ sóng” bản đồ ẩm thực với những phiên bản món ăn, đồ uống mới mẻ. Đến lúc này thì không thể phủ nhận sự sáng tạo vô hạn của con người. Từ món trà sữa trân châu mộc mạc, đơn giản người ta đã cho ra đời hàng chục, hàng trăm đồ uống, món tráng miệng khác nhau. Hạt trân châu đang đi trên con đường trở thành topping “quốc dân” với một đế chế ẩm thực dành cho những tín đồ phát cuồng vì trân châu.

Tiếp theo, mời bạn tham khảo bài viết bột béo là gì tại website của chúng tôi ngay nhé.

Điểm: 4.9 (16 bình chọn)

Tác giả: Phung Phuoc Nhan

Phùng Phước Nhân đã từng đảm nhiệm vị trí Bar trưởng (head Bartender), quản lý Bar ở các nhà hàng – khách sạn tại TP. Hồ Chí Minh. Với kinh nghiệm thực tế của Phùng Phước Nhân sẽ mang đến các công thức pha chế đồ uống như cocktail, rượu,.... Hãy cùng theo dõi nhé.

Bài viết liên quan

Ý kiến của bạn