Học cách làm sữa chua dẻo mịn tại nhà không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn đảm bảo an toàn vệ sinh và chất lượng món ăn cho cả gia đình. Nếu bạn đang tìm kiếm công thức làm sữa chua bất bại, hãy lưu lại ngay những hướng dẫn chi tiết trong bài viết này để có một món tráng miệng ngon, nhâm nhi cùng người thân yêu nhé!
Tự làm sữa chua tại nhà đơn giản với công thức dưới đây
Sữa chua không chỉ là món ăn tuyệt vời hỗ trợ tiêu hóa cho buổi sáng hoặc một lựa chọn làm đồ ăn vặt lành mạnh vào buổi chiều. Món ăn tráng miệng này còn là một trong số ít các loại thực phẩm có thể dùng kết hợp với nhiều nguyên liệu khác để biến tấu món ăn ngon miệng.
Sữa chua còn là thực phẩm có nhiều công dụng cho sức khỏe, đặc biệt là đối với hệ tiêu hóa và làn da. Thường xuyên sử dụng sữa chua, cơ thể sẽ có những thay đổi tích cực khiến bạn sẽ bất ngờ. Vậy còn chờ gì mà không chuẩn bị nguyên liệu làm sữa chua và học cách làm sữa chua tại nhà cùng Dạy Pha Chế Á Âu ngay nhé!
Nguyên Liệu Làm Sữa Chua Tại Nhà
- 1 lít sữa tươi không đường
- 1 lon sữa đặc có đường
- 2 hộp sữa chua làm men cái (200g)
- Dụng cụ làm sữa chua: rây lọc, thùng xốp, nồi, muỗng khuấy, hũ đựng sữa chua…
Cách Làm Sữa Chua Ngon Mịn, Tại Nhà
Bước 1: Đun Sữa
Khui lon sữa đặc có đường, đổ hết tất cả vào trong nồi đã chuẩn bị, sau đó đổ tiếp 1 lít sữa tươi không đường vào. Tiếp theo, dùng muỗng hoặc vá gỗ khuấy đều cho tan sữa rồi đặt lên bếp đun đến khi sữa bốc hơi, nóng khoảng 40 – 45 độ thì tắt bếp, không đun sôi.
Mách nhỏ: bạn có thể sử dụng lon sữa đặc để lại dùng làm lon đong sữa tươi. Cứ 1 lon sữa đặc, bạn cho 3 lon nước lọc hoặc 3 lon sữa tươi.
Trong lúc đun sữa nên khuấy thường xuyên để sữa không bị cháy khét
Bước 2: Thêm Sữa Chua Cái
Bạn đợi hỗn hợp sữa hạ nhiệt độ thì cho sữa chua làm men cái đã chuẩn bị vào cùng. Bạn nên khuấy đều theo một chiều cho hỗn hợp tan đều.
Khi cho sữa chua cái vào nên khuấy nhẹ nhàng theo một chiều
Bước 3: Lọc Hỗn Hợp Sữa Chua
Tiếp theo, bạn dùng rây lọc hỗn hợp sữa chua đã chuẩn bị. Bước này sẽ giúp sữa chua sau khi ủ dẻo mịn, thơm ngon hơn.
Bước 4: Ủ Sữa Chua
Sau khi đã khuấy trộn nguyên liệu xong, bạn rót sữa chua vào các hũ đựng đã chuẩn bị, đậy kín nắp rồi cho vào thùng xốp. Thêm nước nóng khoảng 40 độ C vào thùng sao cho nước ấm đầy đến 2/3 hũ sữa chua, bạn không nên đổ ngập hũ vì có thể nước sẽ tràn vào làm hỏng sữa chua.
Cuối cùng, đậy nắp thùng xốp lại để ở yên tại một vị trí không được di chuyển và ủ từ 6 – 8 tiếng.
Ngoài cách ủ sữa chua bằng thùng xốp, bạn có thể áp dụng 2 cách ủ sau:
Ủ bằng nồi cơm điện: Bật nồi cơm ở chế độ ủ (warm) 30 phút rồi ngắt điện, xếp các hũ sữa chua vào nồi rồi rót nước nóng 40 – 50 độ ngập 1/2 hũ. Sau khoảng 4 tiếng, khi nhiệt độ nước trong nồi nguội bớt thì thay nước nóng mới.
Ủ bằng lò nướng/nồi chiên không dầu: Làm nóng lò/nồi ở 70 – 80 độ trong 5 phút, sau đó xếp hũ sữa chua vào.
Đối với lò nướng: Sau 2 tiếng ủ thì làm nóng lò lại ở 50 độ C trong khoảng 2 – 3 phút rồi tắt lò. Ủ thêm 2 tiếng nữa là sữa chua sẽ đặc lại. Tổng cộng thời gian ủ là 4 tiếng.
Đối với nồi chiên không dầu: Sau khi ủ 1 tiếng thì bật nồi ở nhiệt độ thấp nhất khoảng 5 phút rồi tắt đi. Cứ lặp lại như vậy trong 4 – 5 giờ đầu.
Bạn có thể ủ sữa chua bằng nhiều cách
Bước 5: Thành Phẩm Sữa Chua
Sau khi đã ủ đủ thời gian, bạn hãy lấy sữa chua ra và dùng khăn lau khô từng hũ rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh thêm 1 – 2 giờ đồng hồ là có thể dùng được ngay nhé.
Lưu Ý Khi Ủ Sữa Chua
Sử dụng sữa chua ăn hay sữa chua uống làm men cái đều được. Sữa chua cái phải để ở nhiệt độ phòng từ 30 – 60 phút trước khi pha chế để men hoạt động tốt hơn, giúp sữa chua không bị nhớt, tách nước.
Dụng cụ làm sữa chua cần được vệ sinh sạch sẽ, khử trùng bằng nước sôi trước khi sử dụng để đảm bảo chất lượng thành phẩm.
Bạn không đun sôi sữa vì sẽ làm thất thoát chất dinh dưỡng.
Nước ấm ủ sữa chua cần được điều chỉnh nhiệt độ từ 40 – 50 độ C. Nếu quá cao, vi khuẩn lên men sẽ chết. Nếu nhiệt độ quá thấp, vi khuẩn lên men không đủ điều kiện để tạo men.
Trong quá trình ủ không nên di chuyển thùng/nồi ủ hoặc lắc mạnh hũ đựng sữa chua vì có thể làm ảnh hưởng đến quá trình đông đặc của sữa, dẫn đến việc sữa chua bị vữa hoặc tách nước.
Ngoài cách ủ sữa chua bằng thùng xốp, bạn có thể sử dụng máy làm sữa chua hoặc ủ sữa chua bằng nồi cơm điện.
Với những hũ sữa chua dẻo mịn tự làm tại nhà, bạn tha hồ thưởng thức bất cứ lúc nào
Công Dụng Của Sữa Chua
Sữa chua là thực phẩm giàu lợi khuẩn, rất tốt cho hệ tiêu hóa. Những lợi khuẩn này giúp hỗ trợ điều hòa hệ tiêu hóa, hấp thu dinh dưỡng tốt hơn. Sữa chua cũng giàu chất chống oxy hóa, có tác dụng tăng cường chức năng hệ miễn dịch, ngăn ngừa một số bệnh nguy hiểm.
Vitamin C cùng với chất chống oxy hóa trong sữa chua có tác dụng làm đẹp da, ngăn ngừa lão hóa, giảm thâm sạm. Sữa chua được làm sữa động vật nên sẽ cung cấp dồi dào chất đạm, vitamin A, B, C, canxi và rất nhiều chất khoáng khác. Khi bạn kết hợp sữa chua với các loại trái cây, rau xanh sẽ càng tăng thêm lợi ích sức khỏe.
Sữa chua có nhiều lợi ích hơn khi kết hợp với các loại trái cây khác
Bí Quyết Đặc Biệt Để Làm Sữa Cho Ngon Mịn
Bạn nên sử dụng sữa tươi để làm sữa chua, không nên chỉ sử dụng sữa đặc kết hợp với nước lọc. Sử dụng nước lọc làm sữa chua, khi bảo quản trong ngăn đá, sữa chua dễ bị dăm đá. Đối với thời gian ủ sữa chua, tùy vào khẩu vị mà bạn điều chỉnh.
Nếu bạn thích sữa chua ít chua thì giảm thời gian và ngược lại nếu muốn ăn sữa chua hơn thì có thể tăng thời gian ủ. Khi khuấy các nguyên liệu làm sữa chua, bạn nên khuấy theo một chiều để tránh phá vỡ kết cấu nguyên liệu làm sữa chua bị tách nước, nhớt…
Cách Thưởng Thức Và Bảo Quản
Bạn có thể bảo quản lạnh hoặc làm đông sữa chua rồi thưởng thức trực tiếp. Bạn có thể làm sữa chua đá chanh để giải khát vào những ngày hè. Ngoài ra, món sữa chua trân châu cốt dừa, sữa chua thạch rau câu… là một sự kết hợp giữa sữa chua với các loại topping sẽ góp phần tăng thêm hương vị. Bạn cũng có thể kết hợp sữa chua với các loại trái cây, rau củ làm salad thưởng thức mỗi ngày. Sữa chua nhà tại làm nên sử dụng hết trong 2 tuần nhé!
Cách làm sữa chua uống cũng tương tự các bước trên, bạn chỉ cần thêm nước lọc vào hỗn hợp sữa ban đầu rồi bắc lên bếp nấu.
Bạn nên bảo quản sữa chua trong lọ thủy tinh có nắp đậy kín
Lưu Ý Khi Ăn Sữa Chua
- Bạn nên ăn sữa chua một lần mỗi ngày, từ 100 – 200gr, không nên ăn quá nhiều có thể dẫn đến lạnh bụng, tiêu chảy.
- Nhiều người quan niệm nên hâm nóng sữa chua để tránh bị lạnh bụng. Tuy nhiên, biện pháp này sẽ làm chết các lợi khuẩn cho trong sữa chua. Để tránh bị lạnh bụng, bạn nên để sữa chua bớt lạnh là có thể sử dụng.
- Không nên sử dụng sữa chua khi đói vì rất gây cồn cào, khó chịu cho dạ dày. Tốt nhất là bạn nên ăn vào 1 – 2 tiếng sau bữa cơm. Buổi tối là thời điểm tốt nhất để bạn dùng sữa chua.
- Người thường xuyên uống rượu, hút thuốc, làm việc trước máy vi tính, bị táo bón, người bị loãng xương… là những đối tượng thích hợp dùng sữa chua thường xuyên.
Như vậy là bài viết này đã hướng dẫn bạn cách làm sữa chua tại nhà đơn giản, cách bảo quản sữa chua và cách sử dụng sữa chua đúng cách. Hy vọng những thông tin hữu ích này sẽ giúp bạn chăm sóc tốt hơn cho sức khỏe gia đình với cách tự làm món tráng miệng thơm ngon, yêu thích tại nhà.
Để tìm hiểu chuyên đề Sữa chua trân châu kết hợp đang chiêu sinh tại Dạy Pha Chế Á Âu, bạn vui lòng liên hệ hotline 1800 6148 (miễn phí cước) hoặc cần hỗ trợ thông tin thêm hãy để lại thông tin vào form đăng ký bên dưới nhé!
Chuyên đề kéo dài 2 buổi học sẽ giúp bạn có được bí quyết làm sữa chua dẻo mịn để kinh doanh, công thức sữa chua uống, sữa chua trái cây, kem sữa chua, sữa chua trân châu cốt dừa… đang hot trên thị trường.
Tiếp theo, mời bạn tham khảo cách làm sữa chua chanh leo tại website Dayphache.edu.vn ngay nhé.
Nguyễn thị phương lan
- Cách đây 3 năm trước
Lần đầu tiên trong đời mình làm sữa chua dẻo tại nhà và theo công thức của bạn, mặc dù gia giảm nguyên liệu còn1/2 và ủ trong nồi ủ khaluck để thử nghiệm nhưng thành công hơn mong đợi. Cám ơn bạn nhé
Quản Trị Viên
- Cách đây 3 năm trước
Cảm ơn Phương Lan,
Hãy theo dõi Dạy Pha Chế Á Âu để cập nhật cho mình những công thức pha chế đồ uống mới nhất nhé.