Bartender Phạm Minh Tân – Người Nghệ Sĩ Quầy Bar

Bartender là người không chỉ tạo ra ly thức uống thỏa mãn vị giác, thính giác, khứu giác… mà còn được ví như nghệ sĩ sau quầy bar có khả năng nắm bắt tâm lý khách hàng, khiến họ buồn bớt buồn, vui thêm vui bằng những động tác pha chế và các câu chuyện thú vị.

Chúng tôi hẹn gặp Bartender Phạm Minh Tân tại The Alley Cocktail Bar & Kitchen vào một sáng đẹp trời. Trong không gian nhỏ của quán, trên bức tường chưa đủ rêu phong treo những bức ảnh đen trắng về thiếu nữ áo dài, người bán hàng rong, ông phu xe… bất giác khiến chúng tôi hoài niệm về một Sài Gòn xưa cũ.

Quán Bar The Alley Cocktail Bar & Kitchen

Nằm trong một hẻm nhỏ, The Alley dường như tách biệt khỏi sự ồn ào của khu trung tâm thành phố.

Là quán Bar nhỏ với phong cách cổ điển, The Alley mang một sự kết hợp thú vị đầy hữu ý giữa không gian mang đậm chất Việt với một quầy Bar. Tuy nhiên đây cũng chính là sân khấu của Bartender sinh năm 1984 này – nơi anh thể hiện khả năng biến hóa những ly thức uống tài tình.

Nghề Bartender – Nghề lấy ngày làm đêm

Bartender có mặt nơi làm việc khi màn đêm buông xuống, bỏ qua những ngày lễ bên người thân, những giấc ngủ tròn giờ và vô vàn vấn đề về sức khỏe. Phía sau quầy Bar, nơi anh Phạm Minh Tân nắm trong lòng bàn tay hàng trăm loại rượu, thuộc vô số công thức pha chế với những lần sáng tạo món uống. Đôi tay vừa thoăn thoắt điều khiển những món nghề vật bất ly thân như bình lắc, ly, chai, trái cây… anh vừa chia sẻ Bartender chuyên nghiệp không những pha chế giỏi, mà còn biết khuấy động không gian bằng những màn trình diễn điêu luyện.

“Yêu cầu quan trọng của một Bartender là nắm bắt tâm lý người đối diện. Ngay khi khách vừa bước vào quán, bạn phải biết rằng người đó đang vui hay buồn, cần thêm thức uống gì để xoa dịu tâm trạng.

Không nên sử dụng một câu chuyện để trao đổi với hai người cũng như việc pha chế cho người này khác với người kia, bởi vì chúng ta không ai giống ai cả”, anh nói.

Phạm Minh Tân pha chế cocktail

“Khi pha chế, tôi tập trung toàn tâm trí, sức lực của mình
vào ly thức uống để nó hoàn hảo nhất có thể”.

Chợt nhận ra, ý đồ khi chọn cho chúng tôi mỗi người một chiếc ly khác nhau của anh là vì thế. Chắc rằng đây không chỉ là sự tinh tế được đúc kết trong 13 năm kinh nghiệm mà còn là sự nhạy cảm đặc biệt của một người làm dịch vụ chuyên nghiệp, luôn quan tâm đến nhu cầu của khách hàng và cung cấp cho họ sản phẩm phù hợp nhất.

Quên đi những khó khăn thường trực, anh tiết lộ thêm, với anh hiểu được một người tìm đến quán để thưởng thức thức uống do chính tay mình pha chế đã là thành công. Và chắc chắn, thành công này của những người làm Bartender thường đến lúc thành phố bắt đầu lên đèn, kết thúc khi bình minh vừa ló rạng…

Người nghệ sĩ phía sau quầy bar

Một trong những thuận lợi lớn cho giới Bartender trẻ hiện nay chính là việc dễ dàng tiếp cận thông tin từ internet, chỉ cần lên Google gõ từ khóa “đào tạo Bartender” thì hàng ngàn kết quả xuất hiện. Bên cạnh đó, nhiều trung tâm đào tạo pha chế mở cửa, các lớp học chỉ kéo dài 2, 3 tháng cũng rất phổ biến. Dù thế, điều này dẫn đến một thực trạng là nhiều người chỉ nhìn thấy sự hào nhoáng bên ngoài, thích trải nghiệm, check-in đẹp, nghĩ rằng đây đơn giản chỉ là công việc pha chế thông thường… mà lầm tưởng rằng đó chính là đam mê.

Ít ai biết được, trong hành trình trở thành một nghệ sĩ Bartender thực thụ, việc rèn luyện các động tác múa chai, quay ly, lắc bình; vỡ hàng trăm chai, ly và dính không ít vết thương ở cánh tay là chuyện không thể tránh khỏi, chưa kể phải trau dồi không ngừng nghỉ khả năng giao tiếp, ngoại ngữ, nghệ thuật biểu diễn, kỹ năng…

Hình ảnh The Mekong Delta Cocktail

Ly The Mekong Delta được sáng tạo pha chế trong gáo dừa khô,
đặt trên chiếc rế tre được lót bởi tấm vải rằn ri.

Điều này không chỉ đòi hỏi sự kiên nhẫn và chịu khó, tập luyện mọi lúc mọi nơi mà quan trọng hơn là sự thức tỉnh đúng lúc niềm đam mê trong chính họ. Đủ đam mê, nhiệt huyết thì những khó khăn trên đều có thể khắc phục được thông qua tự nỗ lực tìm tòi, khám phá, đúc rút kinh nghiệm.

Với những yêu cầu khắt khe như thế, muốn trở thành Bartender bắt buộc phải nỗ lực rất nhiều trong quá trình học việc, làm việc. Bản thân Bartender Phạm Minh Tân cũng tự nhận từng trải qua vô vàn vất vả mới có được ngày hôm nay, một trong số đó là xuất phát điểm từ một chàng trai mới bước sang tuổi 14 đã đi làm phụ quán mưu sinh với hai bàn tay trắng.

Kỳ vọng vào Bartender trẻ

Trở thành chủ nhân của một “sân khấu” tọa lạc tại trung tâm Sài Gòn ở tuổi 32, anh khẳng định: “Bartender cũng như nhiều nghề khác, luôn có những áp lực cuộc sống, gia đình, tài chính… Tuy nhiên, có đam mê, bạn sẽ biết cách dấu nỗi buồn đi, hoặc trung hòa nó đúng lúc. Khi đã thành công, bạn sẽ cảm nhận được niềm vui sướng khi đứng sau quầy và khát khao luôn có những thức uống mới, độc đáo cho khách hàng!”.

Anh cũng tin rằng: “Không còn những quan điểm cứng nhắc rằng người Bartender chỉ chú trọng vào mặt kỹ thuật biểu diễn, hình ảnh nữa mà các Bartender ngày nay đã biết đặt khẩu vị, mong muốn thưởng thức của khách hàng lên hàng ưu tiên. Đây là một thay đổi theo hướng tích cực và đáng kỳ vọng để đưa nền pha chế Việt Nam lên tầm cao mới trong khu vực!”.

Bartender Phạm Minh Tân

”Với những lợi thế như hiện nay, tôi tin rằng các Bartender trẻ sẽ đưa ngành pha chế Việt Nam
đứng Top tại Đông Nam Á trong thời gian không xa!”.

Trên bức tường, những bức hình về ông tổ nghề Bartender được treo trang trọng vẫn tiếp tục là điều Bartender Phạm Minh Tân muốn khách hàng mình hướng đến, để biết được cội nguồn của ly thức uống trong tay và cảm nhận được tối đa vị ngon của nó.

Còn anh, đã thôi chìm trong hồi tưởng, đôi mắt sáng lên niềm hy vọng về một nền Bartender Việt Nam phát triển từ lớp trẻ có nhiều lợi thế như hôm nay!

Điểm: 4.9 (16 bình chọn)

Tác giả: Quản Trị Viên

Cập nhật các thông tin lịch học lịch thi, hoạt động, sự kiện, văn hóa ẩm thực, tin tức nghề mới nhất của Dạy Pha Chế Á Âu.

Bài viết liên quan

Ý kiến của bạn